Tập đoàn Sông Đà – 50 năm xây dựng và phát triển (1961-2011)

20/02/2019

Sông Đà, Sông Đà, Sông Đà! Hai tiếng “Sông Đà” vang lên không chỉ nhắc đến tên của một dòng sông, mà hơn thế, nó nhắc cho ta nhớ tới một công trường thanh niên công sản, công trường thủy điện Hoà Bình và chàng Sơn Tinh “Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Đà, nay là Tập đoàn Sông Đà” ngày đêm xẻ núi để ngăn dòng sông Đà hung dữ.
Phần I. Mở đầu 

Trong 50 năm qua, Tập đoàn Sông Đà đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước. Kể từ ngày thành lập đến nay, Tập đoàn Sông Đà đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với 5 lần đổi tên. Tiền thân là Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà được thành lập ngày 01/6/1961, sau đổi thành Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà. Từ năm 1975 - 1994, khi tham gia xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, cái tên mới “Tổng Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà” được hình thành. Ngày 15/11/1995, theo Quyết định số 966/BXD-TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà được thành lập lại theo mô hình Tổng công ty 90 với tên gọi là Tổng công ty Xây dựng Sông Đà. Ngày 11/3/2002, theo Quyết định số 285/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà tiếp tục được đổi tên thành Tổng công ty Sông Đà và ngày 12/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 52/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập Đoàn Công Nghiệp Xây Dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty: LILAMA, LICOGI, COMA, Sông Hồng, DIC; Đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 53 /QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà. 

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm đổi thay, Tập đoàn Sông Đà luôn luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà năm xưa và nay là Tập đoàn Sông Đà có quyền tự hào về những đóng góp một phần sức lực, trí tuệ của mình cho sự lớn mạnh của Tập đoàn ngày nay. 

Phần II. Quá trình hình thành phát triển của Tập đoàn Sông Đà.

Giai đoạn từ khi thành lập (1961) đến năm 1975: 

Trong giai đoạn này, đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Vì vậy, miền Bắc phải vững mạnh để đảm bảo là hậu phương lớn cho Miền Nam đánh Mỹ. Trước yêu cầu đòi hỏi ấy và để xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội thì điện phải đi trước một bước. Thủy điện Thác Bà (CS 110MW), công trình thủy điện lớn nhất miền Bắc khi đó là một trong những công trình điện mở đầu cho công cuộc phát triển điện khí hóa của đất nước. Đây cũng là công trình thuỷ điện đầu tiên, cánh chim đầu đàn của ngành thuỷ điện Việt Nam.

Để triển khai thi công xây dựng công trình, ngày 01/6/1961 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 214 TTg về việc thành lập Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà, sau được đổi thành Công ty Xây dựng thuỷ điện Thác Bà. Quyết định này đã trở thành quyết định lịch sử khai sinh ra ngành xây dựng thủy điện Việt Nam. Bắt đầu từ đây, lịch sử phát triển của Sông Đà gắn liền với những công trình thủy điện của đất nước. 

Công tác chuẩn bị công trường bắt đầu từ năm 1961 và chính thức khởi công công trình vào năm 1963. Sau 3 năm rưỡi thi công, công trình đã phải tạm ngừng vào giữa năm 1966 vì đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, ngay lập tức công trường chuyển sang tư thế vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ công trình. Sau khi đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, công trường đã được khôi phục trở lại từ tháng 8/1968 và đến 22/2/1970 đã tiến hành ngăn sông. Sau 8 năm xây dựng (không kể 2 năm tạm ngừng thi công) dưới sự giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia Liên Xô, TM1 đã khởi động vào đúng dịp lễ Quốc khánh, ngày 2/9/1971 và TM3 khởi động vào ngày sinh nhật Bác 19/5/1972. 

Trong giai đoạn này, Công ty Xây dựng thuỷ điện Thác Bà đã hình thành nên lực lượng xây dựng chuyên ngành: Công trường 1 chuyên thi công đập đá (đập chính), Công trường 2 chuyên thi công đập đất (các đập phụ), Công trường bê tông, Công trường thủy công chuyên ngành (xử lý nền móng), Xí nghiệp cơ giới, Xí nghiệp cơ điện,... với lực lực lượng CBCNV ban đầu khoảng vài trăm người, sau đó tăng lên khoảng 2 ngàn người, cùng với lực lượng xe máy, thiết bị thi công do Liên Xô giúp đỡ.

Thuỷ điện Thác Bà mãi mãi xứng đáng được lưu danh như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm của những người thợ xây dựng thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Việc hoàn thành thi công xây dựng công trình thủy điện Thác Bà cũng là hoàn thành khóa học đầu tiên của một thế hệ cán bộ quản lý và những người thợ về xây dựng thủy điện cho tương lai.

Khi công trình thuỷ điện Thác Bà chuẩn bị hoàn thành, lực lượng những người xây dựng thủy điện lại tiếp tục tham gia thi công xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy dệt Minh Phương, nhà máy hóa chất Việt Trì, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và làm công tác chuẩn bị cho xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Mặc dù liên tục bị phân tán, tổn thất cả nhân lực và trí lực bởi chiến tranh, nhưng Công ty xây dựng thủy điện Thác Bà vẫn kiên trì xây dựng và bảo toàn đội ngũ cán bộ, chuyên gia, thợ lành nghề dày dạn kinh nghiệm chuẩn bị cho những công trình mới.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995: 

Năm 1975 khi đất nước thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội. Công ty xây dựng thủy điện Thác Bà được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh quang, đó là: Chinh phục dòng sông Đà, xây dựng nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á (thời kỳ đó) - thuỷ điện Hoà Bình, công suất 1.920MW với 8 tổ máy. Chính trong thời gian này, tên của dòng sông Đà đã trở thành tên gọi mới của Công ty: Công ty xây dựng thủy điện Sông Đà và năm 1979 được nâng lên thành Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Đà. Một trang sử mới của Tổng công ty được mở ra ngay trên vùng đất từng được coi là "ma thiêng, nước độc" này. 

Ngày 2/9/1975, khởi công mở đường Hòa Bình - con đường đầu tiên phục vụ thi công công trình; Đồng thời tiếp tục được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất và kỹ thuật, cùng đội ngũ chuyên gia của Liên Xô, ngày 6/11/1979 công trình thủy điện Hòa Bình đã chính thức được khởi công. Sau hơn ba năm thi công xây dựng, ngày 12/01/1983 đã tiến hành ngăn sông đợt 1; Tháng 12/1986 ngăn sông đợt 2; Ngày 30/12/1988 phát điện tổ máy số 1 và ngày 4/4/1994 tổ máy số 8 - tổ máy cuối cùng đi vào vận hành - đây có thể coi là thời điểm kết thúc việc xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Thoáng chốc đã trôi qua 15 năm kể từ ngày nổ mìn khởi công công trình với biết bao sự kiện và kỷ niệm không thể nào quên đối với những người thợ xây dựng thủy điện.

Tại công trình thế kỷ này, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định công trường được mang tên “Công trường Thanh niên Cộng sản”, với tinh thần: “Sông Đà vì cả nước, cả nước chi viện cho Sông Đà”. Hàng vạn CBCNV, đặc biệt là những kỹ sư, những người thợ trẻ trên khắp mọi miền của đất nước về đây, đã không quản ngày đêm, gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, bất chấp mọi hiểm nguy để làm việc với tinh thần "Tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc". Đây thực sự là thời kỳ mà mỗi khoảnh khắc sống đều mang trong nó tính sự kiện và giá trị đạo đức.

Không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại khôn lường mà tập thể CBCNV Tổng công ty XDTĐ Sông Đà đã phải vượt qua để biến giấc mơ từ ngàn đời của cha ông ta thành hiện thực: “Chinh phục dòng sông Đà”. Bằng tinh thần vượt khó, ham học hỏi cùng với phẩm chất thông minh của người Việt Nam, đã có hàng ngàn sáng kiến được đưa vào ứng dụng, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; Và cũng tại công trình này, xuất hiện nhiều tấm gương lao động xuất sắc, quả cảm của những người thợ Sông Đà, tạo nên những anh hùng lao động như: Trần Thọ Chữ, Nguyễn Văn Bình, Lê Thị Ngừng, Nguyễn Hữu Tươi, Đào Công Chững; Đồng thời, đây còn là nơi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ cấp cao đã và đang đảm nhận trên những cương vị trọng trách của Đảng và Chính phủ, trở thành những đại biểu ưu tú của nhân dân, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đổi mới của đất nước như các đồng chí: Phan Ngọc Tường - Cố Bộ trưởng - Trưởng ban Tổ chức Chính phủ; Ngô Xuân Lộc - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Hồng Quân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và nhiều đồng chí khác.

Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng - Đại hội của sự đổi mới, đánh dấu sự thay đổi lớn lao của đất nước khi chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Những ngày đầu của thời kỳ đổi mới biết bao khó khăn bỡ ngỡ bởi chuyển đổi cả một cơ chế với nếp nghĩ cũ sang cơ chế mới, với cách nghĩ cách làm mới; Bên cạnh đó, công trình thủy điện Hòa Bình lại bước vào giai đoạn cuối, hàng vạn cán bộ và người thợ phải đối mặt trước nguy cơ thiếu việc làm và đã có hơn 7.600 người phải thôi việc, nghỉ theo chế độ 176. Đây có thể coi là giai đoạn khó khăn, tổn thất về lực lượng của Tổng công ty XD TĐ Sông Đà. 

Những ngày tháng khó khăn ấy được gọi là thời kỳ “Hậu Sông Đà”. Một lần nữa bản lĩnh, ý trí của người thợ Sông Đà lại được thử thách, khơi dậy và để giữ chân họ, nhằm bảo toàn lực lượng thợ xây dựng thủy điện, Tổng công ty đã thực hiện nhiều phương án phát triển SXKD theo hướng đa dạng hóa các loại hình kinh doanh nhưng vẫn giữ thế mạnh chủ lực là xây dựng các công trình thủy điện. Ngoài việc mở ra các ngành nghề khác như may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, dịch vụ vận tải, xây dựng dân dụng, kể cả tổ chức tăng gia chăn nuôi,... TCT đã tích cực tìm kiếm việc làm; Trong đó, đã di chuyển một bộ phận để tham gia thi công thủy điện Sêlabam tại Lào và trường Đảng (sau đổi tên thành Viện xã hội học) tại Campuchia; Một lực lượng khác được di chuyển tới khu vực miền Trung và Tây Nguyên để thi công xây dựng các công trình thủy điện Vĩnh Sơn (66MW) và Sông Hinh (70MW). Đặc biệt, Tổng công ty đã đầu tư 2 dự án xi măng tại Hòa Bình (năm 1992) và Gia Lai (năm 1994) với công suất mỗi nhà máy là 84.000 tấn/năm, mở ra bước ngoặt về chuyển đổi đa dạng hóa ngành nghề của TCT. Những dự án, công trình này đã góp phần tạo ra hàng ngàn việc làm cho lực lượng lao động tạm thời dôi dư của Tổng công ty.

Cho dù thời gian biến đổi thế nào đi chăng nữa thì công trình thuỷ điện Hoà Bình mãi mãi là tượng đài của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, sự hội tụ giữa trí và lực, là kết tinh của khát vọng, trí thông minh, lòng dũng cảm, truyền thống ham học hỏi, sự cầu thị, được nuôi dưỡng từ cội nguồn văn hoá Việt Nam.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Tổng công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào một thời kỳ mới, được đánh dấu bằng việc Tổng công ty tiếp tục được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ làm Tổng thầu xây dựng nhà máy thủy điện Yaly (720MW) ở vùng đất Tây Nguyên - là công trình TĐ lớn thứ 2 của đất nước thời kỳ đó. 
 
Ngày 4/11/1993, thủy điện Yaly chính thức khởi công. Sau 2 năm xây dựng, ngày 12/12/1995 đã tiến hành ngăn sông; Ngày 23/6/2000 phát điện TM1 và ngày 28/5/2001 phát điện TM3. Thủy điện Yaly không chỉ là vùng đất mới của người thợ Sông Đà mà còn là nơi ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Tổng công ty, nó đã tạo nên Tổng công ty xây dựng Sông Đà với một tầm vóc mới, một tinh thần mới mà người thợ Sông Đà có quyền tự hào. Công trình thủy điện Yaly không chỉ có địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết biến động thất thường mà còn ngổn ngang bởi tàn tích của chiến tranh. Những người thợ Sông Đà phải đối mặt với sốt rét, bom mìn, chất độc hoá học và một hạ tầng cơ sở vô cùng nghèo nàn, lạc hậu. Một lần nữa những người thợ Sông Đà cho thấy bản lĩnh kiên cường và truyền thống đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Nếu như ở thủy điện Thác Bà và Hòa Bình, Tổng công ty giống như những người thợ tập sự, từ việc nhỏ đến lớn phải chờ sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, thì tại thủy điện Yaly, những người thợ Sông Đà tự làm nên tất cả; Điều đó đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng ngành xây dựng thuỷ điện Việt Nam đã thực sự trưởng thành. Và cũng tại thủy điện này, Tổng công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt xe máy, thiết bị hiện đại, đồng bộ của các nước công nghiệp phát triển như: Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Nhật Bản,.. thay thế các thiết bị cũ lạc hậu; Do vậy năng suất lao động tăng lên gấp nhiều lần so với các công trình thủy điện trước đây (đào hầm gấp 5 lần, đổ bê tông gấp 2 lần và đào đất đá gấp 3 lần so với thời kỳ thi công thủy điện Hòa Bình, Thác Bà).

Thủy điện Yaly là một thành công lớn của Tổng công ty XD Sông Đà, bởi tự mình đảm nhận tổ chức thi công một công trình thủy điện lớn mà không có sự trợ giúp, hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Song song, với việc xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình và Yaly, Tổng công ty còn tham gia thi công xây dựng nhà máy thủy điện Trị An(400 MW), Hàm Thuận - Đa My (475 MW); Đường dây 500KV Bắc - Nam và các trạm biến áp 500KV Hòa Bình, Pleiku, góp phần đưa các công trình trên vào vận hành đúng tiến độ, làm gia tăng sản lượng điện, cũng như kịp thời điều tiết điện năng phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. 

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2010:

Đây là giai đoạn đất nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội Chủ nghĩa, thực hiện mở cửa để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cùng với sự phát triển của đất nước, Tổng công ty đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, hoạt động SXKD đa ngành nghề, với địa bàn trải rộng khắp đất nước và mở rộng ra nước ngoài.

Năm 1995, Tổng công ty xây dựng Sông Đà chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình Tổng công ty nhà nước theo Quyết định số 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ và tháng 12-2005, Tổng công ty được Bộ Xây dựng quyết định chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Từ đó đã mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để Tổng công ty phát huy tính chủ động, sáng tạo, tập trung nguồn lực để phát triển, xây dựng được mối quan hệ gắn kết giữa các đơn vị thành viên dưới sự quản lý chỉ đạo thống nhất của Tổng công ty để tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất - kinh doanh. 

Sau khi hoàn thành thi công xây dựng nhà máy thủy điện Yaly năm 2001, lực lượng xây dựng thủy điện của Tổng công ty đã phát triển mạng mẽ cả về số lượng và chất lượng, với 18 đơn vị chuyên ngành (Xây dựng thủy điện, cơ giới, công trình ngầm, bê tông thủy công, đường dây và trạm biến áp, vật tư vận tải, điện nước, tư vấn XD,...), cùng với lực lượng lao động bình quân trên 20 ngàn người, đội ngũ cán bộ quản lý giầu kinh nghiệm và lực lượng xe máy thi công hùng hậu, hiện đại. Vì vậy, Tổng công ty tiếp tục được Đảng, Chính phủ giao cho làm Tổng thầu EPC các công trình thủy điện: Sê San 3 (273MW), Tuyên Quang (342MW) và Tổng thầu xây lắp hầu hết dự án thủy điện lớn như: Huội Quảng (520MW), Bản Vẽ (320MW), Sê San 4 (360MW), Plêikrông (100MW), Sơn La (2.400MW), Lai Châu (1.200MW),.. Tại các công trình này, Tổng công ty luôn thể hiện rõ vai trò chủ đạo, năng động, sáng tạo, thi công đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chất lượng xây lắp công trình. Đặc biệt, tại công trình Thuỷ điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu tiến độ công trình để phát điện TM1 vào tháng 12/2010, sớm hơn 02 năm so với tiến độ do Quốc hội phê duyệt; Đây thực sự là một kỳ tích to lớn của những người thợ Sông Đà. 

Nối tiếp những thành công của thuỷ điện Hòa Bình và thủy điện Yaly, tại thủy điện Sơn la, Tổng công ty Sông Đà lại ghi thêm dấu ấn của mình, đã và đang khảng định được trình độ quản lý, tổ chức điều hành các dự án thủy điện có quy mô lớn của đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư Sông Đà ngang tầm khu vực và quốc tế. 

Ngoài thi công xây lắp các công trình thủy điện, Tổng công ty còn mở rộng và phát triển sang lĩnh vực thi công xây dựng các công trình công nghiệp (Xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn,.. Nhà máy đường Sơn La, Hòa Bình, Vị Thanh,...), giao thông (Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Đường HCM, QL1A,..),...Tại công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, là công trình hiện đại vào bậc nhất thế giới và có độ dài vào bậc nhất Đông Nam Á, những người thợ Sông Đà tiếp tục khẳng định phẩm chất đặc biệt của mình. Đây là một công trình cực kỳ phức tạp về mặt kỹ thuật và xử lý địa chất. Nhiều chuyên gia, nhà thầu nước ngoài từng bỏ cuộc trước những sự cố địa chất ít gặp ngay cả trong thi công hầm trên thế giới. Nhưng với tinh thần sáng tạo và bản lĩnh kiên cường, không khuất phục trước khó khăn đã trở thành truyền thống, người thợ Sông Đà nhanh chóng tìm ra phương án khắc phục sự cố, đưa ra phương án thi công tối ưu và đã thi công đào thông hầm phía Nam (gói 1B) vượt tiến độ 4 tháng; Đồng thời thợ Sông Đà đã thi công giúp nhà thầu (gói 1A) 500m dài hầm phía bắc để đảm bảo tiến độ chung của dự án. Thành công của người thợ Sông Đà trên công trình Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã được Chủ đầu tư và các chuyên gia tư vấn nước ngoài thán phục và đánh giá rất cao. Cũng tại công trình này, một lần nữa đã minh chứng thêm sức mạnh của đội ngũ thợ Sông Đà trong thời đại mới. Chúng ta tự hào về những người thợ Sông Đà và những thành tựu mà Tổng công ty đã đạt được.
 

Từ đơn vị chuyên về thi công xây lắp, Tổng công ty đã tích lũy kinh nghiệm, làm chủ công nghệ, để vươn lên làm Chủ đầu tư và tự thực hiện (từ công tác tư vấn, đến thi công xây lắp) nhiều dự án trong các lĩnh vực, nhằm mở rộng quy mô SXKD của TCT:

- Thủy điện: đã nghiên cứu, thực hiện đầu tư dự án thủy điện Cần Đơn (76MW)- đây là dự án thủy điện đầu tiên trong nước được thực hiện theo hình thức BOT; Tiếp theo đó, TCT tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đầu tư nhiều dự án thủy điện với như: Ry Ninh 2, Nà Lơi, Thác Trắng, Sê San 3A (98MW), Nậm Mu, Nậm Chiến (210MW),... Đặc biệt, Tổng công ty còn là doanh nghiệp đầu tiên được Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào giao cho nghiên cứu và thực hiện đầu tư 7 dự án thủy điện tại Lào (Sêkaman 3, Xêkaman 1, Sê Kông 3,..), với tổng công suất khoảng 1.400MW, để nhập khẩu điện về Việt Nam. Đến năm 2010, TCT đã có 13 dự án đi vào vận hành, với điện lượng bình quân hàng tỷ KWh/năm, góp phần bù đắp vào sự thiếu hụt điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước .

Lễ khởi công thủy điện Xekaman3
- Sản xuất công nghiệp xi măng, sắt thép: đã hoàn thành đầu tư nhà máy thép Việt Ý (CS 200.000 tấn/năm); Nhà máy phôi thép Sông Đà (400.000 tấn/năm); Xi măng Hạ Long (CS 2,1 triệu tấn/năm), nâng tổng số nhà máy xi măng lên 3NM, với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm.
- Hạ tầng giao thông: hoàn thành đầu tư 3 dự án theo hình thức BOT: Hầm đường bộ qua đèo Ngang, Đường QL2 đoạn Hà Nội - Vĩnh Phúc, Đường QL 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh. Hiện nay, đang triển khai đầu tư dự án QL6 đoạn Hà Nội - Xuân Mai, QL3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo hình thức BOT kết hợp BT.

- Nhà và đô thị: thành công đầu tiên của TCT là thực hiện dự án Mỹ Đình - Mễ Trì, tiếp theo đó TCT đã và đang nghiên cứu và thực hiện đầu tư nhiều dự án có hiệu quả tại các thành phố lớn trong nước (Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng,....). Việc đầu tư các dự án này mang lại hiệu quả lớn cho đất nước cũng như của Tổng công ty.
Để triển khai thực hiện các công trình trên, Tổng công ty luôn chú trọng đến công tác đầu tư máy móc, thiết bị có công nghệ hiện đại, đồng bộ của các nước phát triển (Nhật, Mỹ, Đức, Thụy Điển,...); Đặc biệt là các công nghệ mới nhất, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam như: dây chuyền thi công bê tông dự lạnh cho đập TĐ Sê San 3; Bê tông đầm lăn (RCC) cho đập thủy điện: Sơn La, Bản Vẽ, Sê San 4, Plei Krông; Thiết bị thi công hầm theo công nghệ NATM của Áo cho hầm Hải Vân; Bê tông đập vòm cho TĐ Nậm Chiến,... Tổng giá trị đầu tư thiết bị trong 10 năm (2001-2010) của Tổng công ty khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Kết quả đạt được là:

* Về xây lắp: 


- Tổng công ty đã và đang đảm nhận Tổng thầu xây lắp, Tổng thầu EPC 23 công trình thủy điện lớn, với Tổng công suất lắp máy khoảng 10.000MW, điện lượng trung bình hàng năm khoảng trên 40 tỷ KWH 
- Tham gia thi công 10 công trình thủy điện khác, với Tổng công suất lắp máy khoảng trên 2.300MW, điện lượng trung bình hàng năm khoảng trên 9,4 tỷ KWH. 
- Bên cạnh đó, Tổng công ty còn thi công các công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, nhà cao tầng,... lớn của đất nước, luôn đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. 

* Về sản xuất công nghiệp: Thực hiện chủ trương chuyển dịch mạnh cơ cấu sang sản xuất công nghiệp, nhằm giảm tỷ trọng xây lắp, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm công nghiệp và dịch vụ trong Tổng giá trị SXKD, Tổng công ty đã nghiên cứu và đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án để sớm đưa vào vận hành. Do vậy, đến năm 2010 tỷ trọng giá trị SXCN chiếm 32% trong Tổng giá trị SXKD, tăng 25% so với năm 2001 (7%); Các sản phẩm công nghiệp của Tổng công ty ngày càng phong phú, đa dạng như: Điện thương phẩm, sắt thép XD, xi măng, vỏ bao, may mặc, phôi thép,.. đã và đang góp phần ổn định SXKD của Tổng công ty. Các sản phẩm này đã khẳng định được thương hiệu và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như khu vực.

* Về hạ tầng đô thị: Tổng công ty đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu Sông Đà trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, các dự án mà Tổng công ty thực hiện đã mang lại hiệu quả lớn cho Tổng công ty. Đây là điều kiện để Tổng công ty tiếp tục phát triển và mở rộng các dự án trong lĩnh vực này, nhằm nâng cao tiềm lực tài chính.

* Về công tác tư vấn xây dựng: Tổng công ty đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư có kinh nghiệm đảm nhận được công tác khảo sát, lập các dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế BVTC, tư vấn giám sát các công trình thuỷ điện lớn có công suất trên 300MW.

* Về nguồn nhân lực: Tổng công ty luôn luôn coi trọng tới công tác đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân kỹ thuật các nghề và đào tạo cán bộ quản lý có trình độ Quốc tế. Nhiều cán bộ trẻ trong diện quy hoạch đã và đang được cử đi học chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh ở trong và ngoài nước, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của Tập đoàn. 

* Về công nghệ thi công: Tổng công ty đã đầu tư một số lượng lớn máy móc, thiết bị có công nghệ hiện đại, đồng bộ của các nước phát triển (Nhật, Mỹ, Đức, Thụy Điển,...) đặc biệt là các công nghệ mới mà lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam để phục vụ thi công các công trình. Do đó, đã nâng cao năng lực thi công hàng năm lên gấp 4 đến 5 lần so với những năm thi công tại công trình TĐ Hoà Bình (về công tác đào đất đá các loại: từ 8 triệu m3 lên 30 triệu m3/năm; Đào đá hầm từ 1 triệu m3 lên trên: 5 triệu m3/năm, trong đó: tốc độ thi công 1 gương hầm từ 20-25 md lên 80-100 md/tháng; Đổ bê tông các loại: từ 1 triệu lên 4 triệu m3/năm).
*Về đầu tư: Tổng công ty đã và đang đầu tư hàng trăm dự án thuộc các lĩnh vực kinh doanh chính của mình ở trong và ngoài nước; Trong đó:
- Đầu tư về thủy điện, nhiệt điện (46 dự án), với tổng công suất lắp máy khoảng trên 3.700 MW, điện lượng trung bình hàng năm khoảng trên 17 tỷ KWH. 
- Đầu tư về xi măng (03 dự án) với tổng công suất trên 2,5 triệu tấn/năm; Thép (01 dự án), công suất 200.000 tấn/năm; phôi thép (01 dự án), công suất 400.000 tấn/năm; 03 dự án hạ tầng giao thông; hàng chục dự án nhà ở, khu đô thị và nhiều dự án khác.

* Về nguồn lực tài chính: Tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch; Sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, đảm bảo tích lũy và phát triển. Do vậy, vốn chủ sở hữu của TCT liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.

* Về xuất khẩu: Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Tổng công ty là 1 trong 5 doanh nghiệp lớn trong nước, hàng năm đưa khoảng 1.100 lao động đi các nước, số lao bình quân ở nước ngoài trên 3.000 người.

* Về tổ chức sản xuất: Thực hiện nghị quyết TW3 và TW9, Tổng công ty đã thực hiện tốt công tác sắp xếp, tổ chức sản xuất từ Công ty Mẹ đến các công ty con. Đến năm 2007 đã hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị thành viên; Đồng thời đẩy nhanh các thủ tục để niêm yết hầu hết các đơn vị trên thị trường chứng khoán. Đến nay, Tập đoàn đã có 49 công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Kết quả sau sắp xếp, hầu hết các doanh nghiệp thành viên năng động, tự chủ trong sản xuất; Qui mô sản xuất (sản lượng, doanh thu, lợi nhuận) đều tăng cao, tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo tích lũy phát triển doanh nghiệp, người lao động có đủ việc làm, thu nhập của CBCNV ngày càng được nâng cao.

Kết quả được cụ thể hóa qua các chỉ tiêu sau (riêng của Sông Đà):

- Tốc độ tăng trưởng giá trị SXKD bình quân trong 10 năm (2001-2010) là 131%. 
- Tổng giá trị SXKD năm 2010: 24.355 tỷ đồng, tăng gấp 11,1 lần so với năm 2001.
- Doanh thu năm 2010: 21.500 tỷ đồng, tăng gấp 11,3 lần so với năm 2001.
- Nộp nhà nước năm 2010: 1.168 tỷ đồng, tăng gấp 25,1 lần so với năm 2001.
- Lợi nhuận trước thuế năm 2010: 1.250 tỷ đồng, tăng gấp 57 lần so với năm 2001.
- Tổng vốn chủ sở hữu đến 31/12/2010: 11.300 tỷ đồng, tăng gấp 41,9 lần so với năm 2001.
- Vốn nhà nước đến 31/12/2010: 4.500 tỷ đồng, tăng gấp 18 lần so với năm 2001.
- Tổng tài sản đến 31/12/2010: 38.000 tỷ đồng, tăng gấp 18,1 lần so với năm 2001.

Sự phát triển mạnh mẽ của Tổng công ty trong thời kỳ này, ngoài sự ủng hộ, chỉ đạo và giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, các Bộ Ngành (đặc biệt là Bộ Xây dựng) đã minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ Tổng công ty Sông Đà và sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo của thế hệ cán bộ Lãnh đạo, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật của Tổng công ty sẵn sàng giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc về cơ chế để quyết định kịp thời, nhằm đưa Tổng công ty phát triển ổn định vững chắc. Thành quả ấy không thể không nhắc tới công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như: Cao Lại Quang, Lê Văn Quế, Nguyễn Văn Thêm, Bùi Văn Thọ, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Bá Lộc, Đỗ Yên Sơn, Nguyễn Duy Hoàn, Nguyễn Văn Nhi và những tấm gương tiêu biểu suất xắc, năng động sáng tạo như: Nguyễn Khắc Kiên, Đinh La Thăng, Nguyễn Tiến Cầm, Dương Khánh Toàn,...cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác là những người đã làm nên sự khác biệt của Tổng công ty Sông Đà năm sưa và Tập đoàn Sông Đà ngày nay.

Giai đoạn từ năm 2010 đến nay.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước phát triển các Tổng công ty, các Tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô và tiềm lực ngang tầm với các Tập đoàn kinh tế của các Quốc gia trong khu vực và thế giới, nhằm góp phần ổn định, phát triển nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, ngày 12/01/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, với sự tham gia của các Tổng công ty: LILAMA, LICOGI, COMA, Sông Hồng, DIC và Quyết định số 53 /QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà. Đây được coi là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Tổng công ty Sông Đà cùng với tiến trình đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước. 

Hội đồng thành viên trong buổi lễ ra mắt Tập đòan Sông Đà

Ngay sau khi được thành lập, Tập đoàn đã sớm ổn định và đi vào hoạt động theo đúng định hướng đã đề ra. Hiện nay, Tập đoàn đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020 có hướng tới năm 2030 và chiến lược kinh doanh của các Tổng công ty, công ty con thuộc Tập đoàn; Thực hiện tái cơ cấu lại các công ty con thành các đơn vị chuyên ngành để tạo nên sức mạnh tổng hợp đủ sức cạnh tranh với các Tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự Lãnh đạo của Đảng Bộ và công tác đoàn thể quần chúng 

Trong những năm qua, Công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ Tập đoàn Sông Đà luôn được quan tâm, không ngừng đổi mới và bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Tập đoàn. Đảng ủy Tập đoàn đã tổ chức triển khai, học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến tận cán bộ đảng viên và công nhân viên; Giáo dục truyền thống đạo đức cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tính tiên phong của người cán bộ, đảng viên. Qua đó cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước trong CNVC lao động tạo thành sức mạnh đoàn kết, phát huy sức sáng tạo, tinh thần quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đời sống vật chất, tinh thần của CBCNV không ngừng nâng lên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Tập đoàn trong sạch, vững mạnh. Đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ của Tập đoàn trong giai đoạn phát triển mới. 

Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp công tác chính trị tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực và hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ đảng viên và công nhân viên, từ đó nâng cao nhận thức tư tưởng, chính trị, tạo sự đồng thuận trong CBCNV, vững vàng trước mọi khó khăn, đoàn kết, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Về đảm bảo việc làm cho CBCNV và thực hiện các chương trình an sinh xã hội:

Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Tập đoàn Sông Đà luôn đặc biệt quan tâm đến đảm bảo việc làm và thu nhập cho CBCNV, cũng như quan tâm tổ chức nơi ăn, ở cho người lao động tại các công trường, nhà máy, trang bị các phương tiện truyền thông, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao của CBCNV, đặc biệt là tại các công trường vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời đã thực hiện tốt việc việc giải quyết “Hậu Sông Đà” cũng như giải quyết cho CBCNV nghỉ theo Chế độ 41 của Chính phủ khi sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp.

Nhằm thắt chặt tình cảm và mối quan hệ gắn bó với các địa phương trong cả nước, Tập đoàn đã xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng lao động của địa phương nơi Tập đoàn có các công trình, dự án, như đào tạo và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Lào.

Tập đoàn Sông Đà là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ các huyện nghèo. Hiện nay, Tập đoàn Sông Đà đã và đang thực hiện hỗ trợ 02 huyện nghèo: Mường La và Phù Yên của Tỉnh Sơn La với giá trị là 40,695 tỷ đồng.

Tập đoàn Sông Đà ủng hộ nạn nhân động đất và sóng thần tại Nhật Bản

Tích cực ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lụt, từ thiện, nhân đạo ; Nhận phụng dưỡng suốt đời nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Xây dựng các quỹ khuyến học; Ủng hộ kinh phí kiên cố hóa trường lớp học cho các xã nghèo vùng sâu, vùng xa; Ủng hộ gây quỹ vì người nghèo; Xây dựng mái ấm Công đoàn; giúp đỡ các CBCNV gặp hoàn cảnh khó khăn,....
Về khen thưởng: 

Với nỗ lực của CBCNV của TCT Sông Đà trong những năm qua, để ghi nhận những thành tích to lớn mà TCT Sông Đà đã đạt được, Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho 04 tập thể và 14 cá nhân, trong đó TCT Sông Đà là doanh nghiệp XD đầu tiên vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới và 02 huân chương Hồ Chí Minh; 15 Huân chương độc lập hạng nhất, nhì, ba cho các tập thể, cá nhân và nhiều danh hiệu cao quí khác.

Mục tiêu, định hướng phát triển của Tập đoàn CNXD Việt Nam đến năm 2015.

1. Mục tiêu tổng quát: Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh ở trong nước và khu vực, có quy mô lớn, hiện đại, đa sở hữu, sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao trên 6 lĩnh vực chính là: (1) Xây dựng và lắp đặt thiết bị; (2) Sản xuất công nghiệp xi măng - sắt thép; (3) Sản xuất và kinh doanh điện; (4) Chế tạo cơ khí; (5) Khu công nghiệp; (6) Phát triển đô thị - nhà ở và Bất động sản. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

Trở thành một nhà sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.

Trở thành nhà chế tạo cơ khí mạnh trong khu vực ASEAN.

Trở thành Tổng thầu xây lắp và tổng thầu EPC mạnh trong khu vực ASEAN.

Trở thành nhà đầu tư đô thị, khu công nghiệp lớn trong nước.
3. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015:

- Tốc độ tăng trư¬ởng giá trị SXKD bình quân hàng năm khoảng 9 %. Tổng giá trị SXKD: 85.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần so với năm 2011.
- Doanh thu: 65.500 tỷ đồng, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2011.
- Nộp nhà nước: 2.100 tỷ đồng, tăng gấp 1,31 lần so với năm 2011.
- Lợi nhuận trước thuế: 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,36 lần so với năm 2011.
- Tổng vốn chủ sở hữu: 29.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,81 lần so với năm 2011.
- Tổng tài sản: khoảng 117.400 tỷ đồng, tăng gấp 1,48 lần so với năm 2011.
- Giá trị đầu tư: khoảng 14.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,49 lần so với năm 2011.
- Thu nhập bình quân tháng 1 CBCNV: 6 triệu đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2011.
- Tổng số CBCNV: 95.000 người. 

Có thể nói, lịch sử phát triển của Tập đoàn Sông Đà luôn gắn liền với các công trình trọng điểm của đất nước. Đó là các nhà máy thuỷ điện: Thác Bà (110MW), Hoà Bình (1.920MW), Trị An (400MW), Vĩnh Sơn (66MW), Yaly (720 MW), Sê San 3 (273MW), Tuyên Quang (342 MW), Sơn La (2.400 MW), Lai Châu (1.200MW)…; Đường dây 500KV Bắc – Nam; Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy xi măng Bút Sơn; Đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân…

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Sông Đà đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày nay, nhắc đến truyền thống vẻ vang của Tập đoàn Sông Đà trước hết phải nói đến nét truyền thống đặc trưng cơ bản, đó là:
- Truyền thống lao động dũng cảm, cần cù, thông minh và sáng tạo.
- Truyền thống trung thực, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của mọi tập thể và cá nhân trong từng đơn vị và Tập đoàn. Đây là nguồn gốc cơ bản để tạo nên sức mạnh của Tập đoàn qua nhiều thế hệ.
- Truyền thống về tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, giữa tập thể và cá nhân trong cộng đồng Sông Đà qua nhiều thế hệ, giữa Tập đoàn Sông Đà với các đơn vị bạn và nhân dân các địa phương trong cả nước.
- Truyền thống thi đua yêu nước luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
- Truyền thống say mê học tập, nghiên cứu khoa học, không ngừng vươn lên, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm chủ mọi công nghệ, thiết bị tiên tiến.

Nhưng vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề bởi giờ đây nhiệm vụ và thách thức đòi hỏi CBCNV Tập đoàn Sông Đà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để cùng nhau xây dựng, phát triển Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam vững mạnh như kỳ vọng của Đảng và Chính phủ đối với Tập đoàn. Đó vừa 1à quy luật tất yếu của sự phát triển đồng thời cũng là danh dự, phẩm giá của mỗi chúng ta. Vì vậy trong mỗi chúng ta, những người thợ Sông Đà phải nhận thức thật sâu sắc trong mọi suy nghĩ và hành động của mình để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, vì sự phồn vinh của Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

 
Banner quảng cáo right

Fanpage Facebook

 
 
Thong ke